Chức năng nhiệm vụ
Cục Dân quân tự vệ với chức năng tham mưu chiến lược
Cục Dân quân tự vệ (DQTV) thuộc Bộ Tổng Tham mưu (BTTM) - Cơ quan Bộ Quốc phòng (BQP), là cơ quan tham mưu chiến lược về công tác DQTV và thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực này. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Cục đã tham mưu cho BQP, BTTM nhiều chủ trương, giải pháp về xây dựng lực lượng DQTV, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, phát triển chiến tranh nhân dân địa phương, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đến nay, nhiệm vụ của Cục đã có sự phát triển. Cùng với công tác DQTV, Cục còn thực hiện chức năng tham mưu đề xuất, quản lý nhà nước về công tác giáo dục quốc phòng - an ninh (GDQP-AN), công tác quốc phòng ở các bộ, ngành, địa phương và công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết chiến tranh nhân dân địa phương. Để hoàn thành trọng trách được giao, Đảng ủy, Chỉ huy Cục luôn quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng và chính sách, pháp luật về quốc phòng của Nhà nước; các chỉ thị, nghị quyết của Quân ủy Trung ương và BQP. Coi trọng kiện toàn, củng cố Cục về tổ chức, biên chế, xây dựng Cục vững mạnh toàn diện; trong đó, Cục luôn quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu có kiến thức toàn diện, am hiểu thực tiễn, tư duy chiến lược sắc sảo, có khả năng phát hiện, tổng hợp vấn đề một cách nhạy bén, đề xuất chính xác, kịp thời, hiệu quả. Đặc biệt, Cục luôn coi trọng xây dựng và giữ mối quan hệ chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành của Đảng, Nhà nước và các địa phương, thực sự trở thành trung tâm phối hợp, hiệp đồng công tác và cũng là cầu nối giữa các bộ, ngành và địa phương. Chính vì vậy, chất lượng, hiệu quả tham mưu, đề xuất và công tác quản lý nhà nước của Cục không ngừng được nâng lên. Trong đó, nổi bật là:
1. Thực hiện tốt chức năng nghiên cứu, đề xuất với BQP tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành các chủ trương, chính sách về công tác quốc phòng đồng bộ, kịp thời, có tính khả thi. Đây là chức năng quan trọng hàng đầu và cũng là thành công lớn nhất của Cục trong suốt những năm qua. Thông qua đó, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, mà trực tiếp là tạo cơ sở pháp lý cho việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác quốc phòng, quân sự địa phương trên phạm vi cả nước. Theo đó, Cục đã nghiên cứu, tham mưu đề xuất trên cả ba mặt công tác chủ yếu: xây dựng lực lượng DQTV “vững mạnh, rộng khắp”, đẩy mạnh công tác GDQP-AN tạo nền tảng nhận thức cho toàn dân và tập trung đưa công tác quốc phòng ở các bộ, ngành, địa phương đi vào nền nếp. Cùng với đó, Cục đã đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo ngành; xây dựng hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện thống nhất, đồng bộ, tạo hành lang pháp lý để công tác quốc phòng theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với các luật, pháp lệnh của Nhà nước đã ban hành, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện.
Trên cơ sở tham mưu của Cục với BQP, từ năm 2001 đến nay, Đảng, Nhà nước đã ban hành hơn 130 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, văn bản quy phạm pháp luật; trong đó, có nhiều văn bản quan trọng mang tầm chiến lược. Đáng chú ý là: Luật DQTV và hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật được các cơ quan chức năng của Quốc hội, Chính phủ đánh giá: “Là Luật đầu tiên có các văn bản quy định cụ thể, hướng dẫn chi tiết thi hành Luật, đảm bảo đồng bộ, thống nhất, kịp thời, tạo bước đột phá trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật”. Cục cũng đã hoàn thành Dự án Luật GDQP-AN - văn bản pháp quy cao nhất về lĩnh vực này, báo cáo Chính phủ đang trình Quốc hội khóa XIII thông qua; xây dựng Dự án Pháp lệnh Công tác quốc phòng ở các bộ, ngành, địa phương1 và các văn bản hướng dẫn thực hiện, đảm bảo chất lượng và tiến độ.
2. Chủ động nghiên cứu, đề xuất, giúp BTTM, BQP chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng lực lượng DQTV “vững mạnh, rộng khắp” phù hợp với tình hình mới. Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, công tác DQTV có những thuận lợi cơ bản, song cũng có không ít khó khăn, thách thức cả về tổ chức, huấn luyện, duy trì hoạt động và công tác đảm bảo. Thực tế đó đặt ra cho Cục phải nghiên cứu, tham mưu triển khai xây dựng lực lượng DQTV một cách tương xứng, hợp lý, đạt hiệu quả thiết thực. Trên cơ sở nắm vững quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang quần chúng và bám sát thực tiễn, Cục chủ động nghiên cứu, đề xuất với BTTM, BQP xây dựng lực lượng này theo phương châm “vững mạnh, rộng khắp”; trong đó, coi trọng xây dựng DQTV có số lượng hợp lý, tổ chức phù hợp, không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, nhất là độ tin cậy về chính trị. Cục chỉ đạo các địa phương, cơ quan, tổ chức thực hiện đề án xây dựng lực lượng DQTV theo lộ trình, sát với đặc điểm ở từng địa phương, cơ sở; trong đó, ở các địa bàn trọng điểm về quốc phòng – an ninh (QP-AN), phải coi trọng xây dựng lực lượng DQTV nòng cốt với các thành phần: dân quân cơ động, dân quân thường trực, DQTV biển, tự vệ trong các loại hình doanh nghiệp, DQTV phòng không. Trong ba năm qua, Cục đã hướng dẫn các quân khu, bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt Luật DQTV, tạo bước đột phá toàn diện cả về công tác giáo dục, tuyên truyền, xây dựng điểm, nhân rộng các mô hình quản lý, tổ chức, huấn luyện, hoạt động và công tác đảm bảo cho lực lượng DQTV. Các địa phương, cơ quan, tổ chức đã đẩy mạnh việc củng cố, xây dựng lực lượng DQTV theo quy định của Luật, giảm tỷ lệ DQTV so với dân số, nhưng tăng về chất lượng, nhất là chất lượng chính trị. Để tạo bước chuyển mang tính đột phá về chất lượng công tác DQTV, Cục đã tham mưu cho BQP chỉ đạo tổ chức triển khai và đẩy mạnh công tác đào tạo đội ngũ cán bộ quân sự cấp xã. Đây là cơ sở quan trọng để xây dựng Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã trong toàn quốc đảm bảo số lượng, chất lượng, thực hiện tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cơ sở về công tác QP-AN, hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, huấn luyện, chỉ huy lực lượng DQTV thực hiện các nhiệm vụ trong mọi tình huống. Đến nay, các địa phương, cơ sở đều xây dựng được các cơ sở DQTV, vừa là lực lượng chiến đấu tại chỗ của khu vực phòng thủ, tạo nguồn bổ sung cho Quân đội khi cần, vừa là lực lượng nòng cốt phối hợp với các lực lượng khác góp phần làm thất bại chiến lược "Diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch, tham gia giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở từng địa phương, cơ sở, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia.
3. Phát huy vai trò Cơ quan Thường trực giúp Hội đồng GDQP-AN Trung ương và BQP chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác GDQP-AN ngày càng nền nếp, hiệu quả. Ngay sau khi được BQP giao nhiệm vụ là Cơ quan Thường trực GDQP-AN, Cục đã nhanh chóng kiện toàn tổ chức, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, tiến hành khảo sát và đề xuất với BQP tham mưu cho Chính phủ tập trung đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, GDQP-AN; đưa quan điểm, chủ trương của Đảng về QP-AN và một số kiến thức, kỹ năng quân sự cần thiết vào chương trình giáo dục cho các đối tượng. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ này, Cục đề xuất với BQP tham mưu cho Chính phủ tổ chức hệ thống Hội đồng GDQP-AN từ Trung ương tới cấp huyện và Hội đồng Nghĩa vụ quân sự kiêm nhiệm GDQP-AN cấp xã để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức về phương hướng, nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch và thực hiện công tác bồi dưỡng, GDQP-AN cho các đối tượng. Hội đồng GDQP-AN Trung ương chỉ đạo các bộ, ngành, các cơ quan chức năng, các học viện, nhà trường, địa phương nghiên cứu, xây dựng nội dung, chương trình, giáo trình, tài liệu GDQP-AN, thực hiện công tác đảm bảo; coi trọng xây dựng đội ngũ giáo viên, giảng viên, báo cáo viên GDQP-AN và vận dụng các hình thức, biện pháp trong tuyên truyền, giáo dục phù hợp với các đối tượng. Đến nay, công tác GDQP-AN đã được tổ chức chặt chẽ, khoa học, được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện ngày càng hiệu quả. Bên cạnh ba nhóm đối tượng cơ bản (cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên và toàn dân), các địa phương, cơ sở còn tích cực mở rộng giáo dục cho các đối tượng khác. Công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ, đảng viên và công chức đã trở thành quy định bắt buộc, là một trong những tiêu chí để nhận xét, đánh giá đề bạt, bổ nhiệm cán bộ và cũng là cơ sở để cán bộ, đảng viên thực hiện công tác GDQP-AN theo cương vị, chức trách. Công tác GDQP-AN toàn dân đã có bước phát triển toàn diện theo sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền ở từng cấp, hình thành các chuyên mục, chuyên trang trên sóng phát thanh, truyền hình của Trung ương và các địa phương; nội dung, hình thức ngày càng phong phú, hấp dẫn. Công tác GDQP-AN đã trở thành môn học chính khoá trong hệ thống giáo dục quốc dân từ hơn 10 năm nay, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, là cơ sở để thế hệ trẻ thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. Để học sinh, sinh viên thực sự được học tập, rèn luyện trong môi trường quân sự, Cục đã đề xuất với BQP tham mưu cho Chính phủ quyết định xây dựng hệ thống Trung tâm GDQP-AN trên cả nước (hiện có trên 31 Trung tâm hoạt động), hằng năm giáo dục cho gần 50% sinh viên. Đây thực sự là bước đột phá mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, góp phần khắc phục tính đặc thù của môn học, nâng cao chất lượng giáo dục thế hệ trẻ.
4. Thường xuyên giúp BQP, BTTM chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra đưa công tác quốc phòng đi vào nền nếp, chất lượng. Để khắc phục kịp thời việc buông lỏng công tác quốc phòng ở các bộ, ngành và một số địa phương, Cục đã đẩy mạnh nghiên cứu, đề xuất với BQP, BTTM xây dựng và hoàn thiện quy chế hoạt động, cải cách, đổi mới cơ cấu tổ chức hành chính và mối quan hệ nghiệp vụ chuyên ngành, nhằm tạo sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ, phát huy được sức mạnh tổng hợp đảm bảo cho công tác quốc phòng. Đồng thời, Cục nghiên cứu, đề xuất củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức Ngành từ Bộ cho đến địa phương, cơ sở có đủ điều kiện thực hiện các nhiệm vụ, kể cả các tình huống đột xuất, phức tạp. Trên cơ sở tổng kết, rút kinh nghiệm thực tiễn, Cục đề xuất những biện pháp triển khai nhiệm vụ quốc phòng phù hợp, hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức, vị trí, vai trò công tác quốc phòng ở các bộ, ngành, địa phương nói chung, công tác DQTV, GDQP-AN nói riêng, đưa công tác quản lý nhà nước về quốc phòng từng bước đi vào nền nếp, chất lượng hơn. Đáng chú ý là, Cục đã nghiên cứu, đề xuất tham mưu cho BQP chỉ đạo các bộ, ngành thành lập Ban Chỉ huy Quân sự để giúp cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức công tác quốc phòng, quân sự. Bên cạnh đó, hằng năm, Cục đã xây dựng kế hoạch, duy trì nền nếp kiểm tra, thanh tra công tác quốc phòng ở các bộ, ngành, địa phương, qua đó hướng dẫn, điều chỉnh và kịp thời phát hiện những hạn chế để kiến nghị có các biện pháp khắc phục.
Cùng với đó, Cục đã thực hiện tốt công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết của Cục và Ngành. Từ năm 2007 đến nay, Cục đã triển khai nghiên cứu 77 đề tài khoa học và tổng kết chiến tranh nhân dân địa phương (03 đề tài cấp nhà nước, 19 đề tài cấp bộ, 55 đề tài cấp ngành). Đồng thời, triển khai thực hiện Dự án Công nghệ Thông tin tới 46 đầu mối thuộc 32 tỉnh, 8 quân khu và 06 Trung tâm GDQP-AN. Ghi nhận những thành tích trên, năm 2009 Cục được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh. Đây là vinh dự đặc biệt, là sự cổ vũ lớn lao để cán bộ, nhân viên của Cục tiếp tục đoàn kết, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng là cơ quan tham mưu chiến lược và là đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Đại tá HỒ XUÂN THỨC
Phó Cục trưởng Cục Dân quân tự vệ